瓶隱子
Hiếu liêm họ Hàng, người Nam Dương, tính tình khảng khái, gia đình giầu có, nên trong nhà rất đông thực khách, nổi danh là Khổng Bắc Hải, thích hợp với câu thơ :
Tọa thượng khách thường mãn,
坐 上 客 常 滿
Tôn trung tửu bất không.
樽 中 酒 不 空
Vào nhữnng lúc rảnh rang nhàn hạ, Hàng thường dắt ngựa, cùng với tên hề đồng, rong chơi những nơi quán rượu ngoài thôn dã.
Một hôm, Hàng vô tình gặp một lão ngư ông, mày râu xồm xoàn, cổ quái, áo quần rách rưới tiêu sơ, đậu thuyền ở bên bờ sông, đang bị môt chủ quán rượu đánh đập hành hung, một cách tàn nhẫn.
Hàng thấy thế, hỏi han duyên cớ. Mới hay, lão ngư ông tính rất ham rượu, mà lại chẳng có tiền để trả. Lão ta thường vào quán rượu đó uống chịu. Lúc chủ quán đòi tiền, không trả nổi, đành phải chịu ăn đòn trừ nợ.
Hàng bèn khảng khái lấy tiền ra trả thay cho lão. Vậy mà lão chẳng hề một lời cám ơn, cứ dựa vào gốc cây, lớn tiếng ca hát :
Liên nhật vô ngư khiếm tửu tiền
連 日 無 魚 欠 酒 錢
Tửu gia trảo chú điếu ngư thuyền
酒 家 抓 住 釣 魚 船
Kỷ phiên dục thoát thoa y đáng
幾 番 欲 脫 蓑 衣 當
Hựu khủng minh triêu thị vũ thiên
又 恐 明 朝 是 雨 天
Chàng cho là bậc dị nhân. Chừng hỏi tên tuổi, thì chỉ cười, không đáp. Cố gặng lắm, lão mới nói:
-Lão làm gì có họ tên, túc hạ cứ gọi là « lão câu nát rượu » cũng được rồi !
Hàng mời lão đến uống ở một tửu điếm ở ngòai ngọai thành. Thấy lão tửu lựơng rất cao, nói năng lại hào sảng, chàng mới dặn dò bảo với chủ quán rằng:
-Chủ quán, cứ bán chịu rượu cho ông ấy, bao nhiêu ta cũng trả, không thiếu đâu mà sợ !
Lão câu cũng chẳng hề cám ơn một lời.
Rồi men say chuếnh choáng, sách cành câu đi thẳng.
Hơn một tháng sau, Hàng vô tình trở lại quán ấy. Hỏi đến lão câu say rượu thì tiền rượu đã nợ lên đến bạc ngàn.
Chàng móc tiền ra trả ngay. Lại dặn cứ bán chịu cho lão. Mấy tháng trời liền như vậy, không hề gián đoạn.
Một hôm lão câu sách một con cá và vác một bầu rượu, đến cửa nhà Hàng, xin được vào yết kiến. Chàng mời vào.
Lão lập tức chễm chệ ngồi trên ghế.
Nói :
-Lão có máu tham ăn uống, may được túc hạ thương tình chiếu cố, lòng vẫn lấy làm áy náy chưa báo đền mảy may, nay lại sắp phải từ biệt túc hạ rồi, xin có con cá và chén rượu đạm bạc bầy tỏ lòng thành.
Hàng bảo nhà bếp làm cá, hâm rượu để cùng lão đối ẩm, truyện trò rất là tương đắc, sảng khoái
Hàng hỏi lão câu :
-Thế cụ tính đi đâu ?
Đáp :
-Lão như bèo nước bình bồng, góc biển chân mây, nay đây mai đó. Mấy lần, lão quan sát túc hạ, thấy khí tượng bất phàm, nhưng chỗ hai chân mày hơi bị phong bế, chẳng hay túc hạ có ẩn khúc gì, có thể cho lão biết được chăng,Lão tuy quê mùa dốt nát, nhưng biết đâu chẳng giúp được túc hạ đôi lời.
Hàng nói :
-Cụ thật đã thấu rõ những ẩn khúc của tiểu sinh. Suốt cuộc đời, tiểu sinh chẳng có điều gì là không đắc ý cả. Duy có ba điều ân hận, nên cứ ấm ức mãi trong lòng.
-Túc hạ có thể cho lão nghe được chăng ?
Hàng đáp :
-Tiên phụ tiểu sinh, lúc sinh thời, có mua và cất giữ được một cây đàn cổ, toàn thân trạm khắc hoa mai rất đẹp.Mỗi khi đàn, thì âm thanh lay động ngũ nhạc, quỷ thần rơi lệ, sét giật sấm ran, vàng đá tả tơi. Một lần tiên phụ tiểu sinh, ngẫu nhiên mang đàn đi qua sông Dương Tử Giang, bị thủy thần sai hai con giao long kẹp sát hai bên thành thuyền, đòi lấy cho kỳ được chiếc đàn ấy. Tiên phụ không cho, tức thì nó cho sóng nổi lên như núi, làm cho thuyền cơ hồ bị lật, tiên phụ đành phải mở túi, lấy đàn thả xuống sông, sóng gió mới êm lại. Đó là mối hận thứ nhất. Hồi thanh niên, tiểu sinh có đem lòng yêu một nàng kỹ nữ, tên là Ngọc Trâm, cực kỳ thông minh mỹ lệ, dự đính hôn nhân, hẹn ngày thoát khỏi nơi kỹ viện. Chẳng ngờ, thình lình nàng bị tên biên tướng là Sa Sa Đảo cướp mang đi. Đối với tiểu sinh, nàng có khác nào như danh kỹ đời Đường rơi vào tay Sa Tra Lợi, mà đời nay tìm đâu ra người hiệp sĩ Cổ Áp Nha để cứu nàng về được nữa. Từ đấy, tiểu sinh đối với Ngọc Trâm trở thành khách qua đường. Đây là mối hận thứ hai của tiểu sinh. Bình sinh, tiểu sinh vốn là kẻ yêu thích cảnh trí Hồ Tây ở Hàng Châu, mà nơi cư trú lại qúa xa xăm cách trở, lòng muốn dời cư đến đó, lại ngại vì mấy chục gian phòng ốc ở nơi đây, là của tổ tiên xây dựng, không thể bỏ được. Giang Nam là đất trần tục khó kham, những muốn học phép Cát Hồng dời cư, mà rồi không được. Đó là mối hận thứ ba.
Sau khi nghe Hàng tâm sự, lão câu vỗ hai tay lên trán, nói :
-Việc này thật là khó !
Rồi ngẫm nnghĩ hồi lâu, hốt nhiên cừơi ha hả :
-Không khó !Không khó !Pháp lực của lão tuy không thể làm được việc này, nhưng có thể mượn tay một bậc dị nhân làm thì xong. Ở phiá nam ngoại thành, có cây thông gìa, hình dáng như rồng nằm uốn khúc, cành xoè như bay lượn. Túc hạ đi đến cách cây thông đó khỏang một thước bốn tấc về hướng đông, thì đào đất lên, sâu hơn một tấc, sẽ được một chiếc bình cổ, trên nắp gắn một lá bùa, viết lối chữ triện. Túc hạ nhớ đừng làm sứt mẻ chiếc bình ấy nhá. Khi đào lên đem về nhà, túc hạ giữ lòng cho an tĩnh, rồi niệm một ngàn lần kinh Lăng Nghiêm, lá bùa sẽ tự biến mất, nắp bình được mở cho một dị nhân đi ra. Chớ nói là do lão tiết lộ, việc sẽ không thành, lại còn có hại cho lão nữa đấy.
Nói xong thì từ biệt mà đi.
Ngày hôm sau, Hàng ra ngoại thành tìm lão, nhưng không còn thấy tông tích gì nữa.
Chàng sai đầy tớ vác thuổng, cuốc cùng chàng đến chỗ lão câu đã chỉ. Thì quả nhiên, đào được một chiếc bình cổ. Chàng đem về nhà, đặt lên án thờ, ngày ngày khấn vái tụng niệm.
Chiếc bình có nắp kiên cố chắc chắn như trường thành. Bên trên lại khắc bùa chữ triện mầu đỏ, thật sâu. Sau khi Hàng đọc đủ số kinh như đã dặn, nắp bình thình lình bật tung, bay lên cao, rồi rơi xuống đất. Chàng thấy một vị thần Kim giáp tay vác một món binh khí đầu bằng, vội vã chạy ra giữa trung đường, bất chợt hét lên một tiếng như sét, rồi vọt lên không trung, khiến chàng giật mình kinh sợ.
Hàng tính nhòm vào bên trong xem cho rõ nguyên nhân, thì bất chợt đằng sau nghe có tiếng ngọc bội leng keng. Chàng chú mắt nhìn. Té ra là một nữ lang, tuổi khoảng đôi tám, diện mạo rạng rỡ, diễm lệ như tiên nữ trên cung đình.
Nữ lang chắp tay vái chào thi lễ. Hàng mời nàng vaò ghế ngồi, chuyện trò hỏi han.
Nàng tự giới thiệu là chồn tiên, và nói :
-Thiếp đắc đạo từ thời nhà Đường, tính ham rong chơi trần thế. Khi nhà Tống thua chạy xuống phương Nam, chính mắt thiếp đã thấy bà vợ Kỳ Vương Hàn Thế Trung ở đất Yên, vì bần cùng nghèo khổ phải dệt chiếu mưu sinh. Bà ấy sống mũi cao, mặt bầu bĩnh, hơi lấm chấm rỗ hoa. Còn Kỳ Vương là người đẹp trai. Đích thân ông bắt được bọn giặc Phương Liệp, khi ấy mới có hai mươi bốn tuổi.
Sau này, thiếp vì rượu say mà giết lầm người, nên bị Doãn Chân Quân thâu nhốt vào trong bình, đem chôn dưới gốc tùng. Vị thần Kim Giáp mà chàng vừa thấy, chính là sứ gỉa trông coi buà gắn trên nắp bình đấy. Thân thiếp bị giam trong đó, trầm muộn chẳng khác gì dưới địa ngục. Nếu chẳng nhờ tài sức của công tử thì chẳng biết đời kiếp nào mới ra khỏi. Nhưng không biết công tử nghe ai chỉ bảo, xin chàng làm ơn nói cho thiếp, để thiếp có thể báo đáp luôn thể.
Hàng đáp :
-Tiểu sinh nhân đi đào vị thuốc phục linh mà được thôi.
Nàng nói :
-Bùa ấy, nếu không biết niệm kinh chú, thì không mở ra được. Còn như nếu đập vỡ bình, ắt thân thiếp cũng sẽ thương tích, đau đớn không chịu nổi. Việc làm ấy, nếu chẳng phải bậc thần tiên thì không thể hiểu được nổi bí quyết.
Nhưng Hàng nhất định cố dấu, không nói.
Lại hỏi danh tính của nàng, thì nàng trả lời :
-Thiếp chẳng có tên, cũng không có tự. Xin cứ gọi thiếp là Bình Ẩn Tử cũng được.
Từ đấy, nữ lang ở luôn tại thư trai của Hàng. Đêm đêm vào ngủ trong bình. Ngày ngày cùng chàng rượu trà, thơ văn, ngâm vịnh, rất vui vẻ tương đắc, chẳng hề thân cận ỷ ôi, làm lọan lễ nghĩa.
Ít lâu sau, Hàng mới đem những uẩn khúc ở trong lòng ra bày tỏ với Bình Ẩn Tử.
Nàng nói :
-Việc cũng dễ thôi. Nhưng thiếp sẽ bị giảm thiểu mất một ngàn năm tu luyện. Mà thôi, cũng là số cả, thiếp đành vì công tử đi một chuyến vậy.
Ngày hôm sau, nữ lang vác bình ra bờ sông, rồi niệm chú, một lúc thì thấy một con tiểu long nữ, nhỏ như con sứa nổi trên mặt nước, dạt vào bờ. Nàng vội nhón lấy, bỏ vào trong bình, vác lên vai, hộc tốc chạy về nhà. Thình lình sấm vang sét giật, gió bão nổi lên đùng đùng. Lão Long Vương dẫn gíap binh đuổi theo truy cản. Nữ lang rút kiếm nghinh chiến. Lão Long Vương địch không nổi, khẩn khoản nói với nàng :
-Lão với nương tử, từ truớc giờ chưa có hiềm óan chi nhau, sao lại cưóp con gái yêu của lão mang đi vậy.
Nàng đáp :
-Thì ra, ông cũng biết vô duyên vô cớ lấy của người ta là điều không hợp tình lý à? Thế chiếc cổ cầm, báu vật mấy đời của Hàng hiếu liêm, tại sao ông lại dùng oai lực mà cướp đi. Ông muốn được trả con gái yêu, thì nên hoàn trả đàn cho người ta trước đã.
Lão Long Vương đồng ý nhận lời, đem đàn ra trao cho nữ lang. Còn nàng thì thả tiểu long nữ ra giữa sông, rồi mang đàn về đưa cho Hàng, bảo với chàng:
-Mối hận thứ nhất của công tử, như thế là giải quyết xong.
Hàng cẩn thận xem xét kỹ lại đàn một lúc lâu, rồi nói :
-Đàn này không phải !Chiếc đàn của gia đình tiểu sinh có khắc mười sáu chữ ''Sơn thâm khí thanh, vạn lại tiêu tiêu, cổ vô nhân tông, duy thạch tiêu nghiêu '' để ghi nhớ.
Nữ lang nghe Hàng nói thế, nổi giận đùng đùng, biến ngay đi như một cơn gió. Nàng đến bờ sông liên tục vừa niệm chú, vừa lấy bình múc nước, khiến cho nước dưới sông cứ cuồn cuộn bị hút vào trong bình. Một thoáng sau, thì sông cạn, trông suốt đến tận đáy.
Lão Long Vương sợ quá, sai thế tử đến điều đình. Nhưng nữ lang chẳng những không chịu, lại thâu ngay thế tử vào trong bình. Tính mang đi, thì Lão Long chạy vội đến, nói :
-Nương tử tính đem con lão đi đâu ?
Đáp :
-Trả ngay đàn cho ta ! Đầu bếp sắp đổi món ăn bằng thịt con của lão đấy.
Lão Long Vương nói :
-Lão chỉ muốn đùa với nương tử một chút thôi .
Rồi bưng đàn thật ra. Nữ lang kiểm nghiệm những chữ khắc ở đằng sau lưng đàn cho rõ, mới chịu thả thế tử xuống sông. Sau đó, đem đàn trao lại cho Hàng. Quả nhiên đó là đàn thật.
Mấy ngày sau, nữ lang đột nhập vào doanh trại của viên biên tướng Sa Sa Đảo, quả thấy có một thiếu nữ ở trướng sau đi ra, tuổi khoảng mười bẩy mười tám, cài chiếc trâm trắng, trông thật cực kỳ phong chí mỹ lệ. Nàng ngờ là Ngọc Trâm, bèn niệm chú cho hôn mê, rồi thu vào trong bình, vội vã qay trở về nhà, đặt lên giường, bảo Hàng kiểm nghiệm lại.
Hàng nói :
-Ngưòi này đẹp thì đẹp thật, nhưng không phải Ngọc Trâm.
Bình Ẩn Tử nói :
-Nếu chẳng phải Ngọc Trâm thì để thiếp đem trả lại.
Rồi vội vã thu thiếu nữ vào trong bình, vác lên vai, đằng vân đem đi trả. Chừng đến nơi, nghe tiếng người hô hoán, ồn ào sôi nổi, tranh nhau đi tìm thiếu nữ.
Bình Ẩn Tử từ trên mây nói vọng xuống :
-Hỡi người hạ giới, đừng sợ hãi gì nữa, ta là thị nữ hầu sách trên Nguyệt Phủ. Nữ công tử cũng là thị nữ quét hoa ở trên nguyệt phủ với ta. Vừa rồi, ta vâng chỉ dụ của Cát Lân Phi Tử, tạm đưa nàng đi một lúc. Nay xin hoàn lại.
Nói xong, nhẩy xuống đất. Cũng vừa lúc thiếu nữ tỉnh lại.
Viên biên tướng Sa Sa Đảo gặp lại được con, tiến đến tạ ơn Bình Ẩn Tử. Quân sĩ lại được dịp reo hò mừng rỡ, ầm ầm như sấm đng. Sau đó, viên tướng Sa Sa Đảo ân cần mời Bình Ẩn Tử vào nhà Đại trướng, hỏi han chuyện trên nguyệt phủ.
Rồi hô gọi :
-Mau mời Ngọc Trâm Nương Tử ra nghe kể chuyện cũ trên nguyệt phủ.
Lát sau, một thiếu nữ khoảng mười tám mười chín, dung mạo đẹp như tiên nữ, từ trong đi ra, hỏi :
-Chiếc bình trên vai của cô nương dùng làm gì ?
Bình Ẩn Tử đáp :
-Đây là chiếc bình tiên, dùng hứng ngọc lộ, nhưng ai vào được đây, ắt trường sinh bất tử .
Sa Sa Đảo hỏi :
-Bình nhỏ như vậy, làm sao có thể chứa được người ta ?
Lại đáp :
-Tất phải có thuật. Ngay to lớn khôi ngô như tướng quân, vào trong bình này, cũng sẽ nhỏ như con kiến!
-Vậy xin cho và thử xem nhá ?
Nói xong, liền nhẩy vào trong bình. Lát sau đi ra. Quân sĩ thấy thế, đều tranh nhau chui vào. Nhìn vào trong, chỉ thấy nhỏ như những hạt gạo. Nhưng lúc ra ngòai, thì lại khôi phục như cũ.
Sa Sa Đảo lại hỏi :
-Nữ nhân con gái có vào được không ?
Ẩn Bình Tử đáp :
-Thân thể đàn bà thuộc ngũ ác, ô trọc, e sẽ làm cho bình không được thanh khiết nữa.
Sa Sa Đảo cố nài nỉ.
Bình Ẩn Tử nói
-Như vậy, thì khi đã vào rồi, phải để tôi đem bình đến bờ Thiên Hà rửa cho hết ô uế. Tạm thời cho nữ công tử và Ngọc Trâm vào thử trước đã .
Ngọc Trâm nghe nói thế, thì mừng rỡ như mở cờ trong bụng, bèn nắm tay nữ công tử tiến vào trong bình. Lập tức, bình biến mất, không thấy đâu nữa. Cả doanh trại Sa Sa Đảo trở nên huyên náo ầm ĩ, đều cho là Ngọc Trâm và nữ công tử đã bay lên trời, lát sau sẽ trở lại. Nhưng chờ đợi mãi, vẫn âm hao bằn bặt, không thấy tăm hơi gì.
Bình Ẩn Tử đem bình về nhà, bảo với Hàng rằng :
-Nay thì điều thứ hai của chàng đã hoàn tất.
Rồi đặt Ngọc Trâm và nữ công tử xuống . Lát sau cả hai đều tỉnh lại. Còn Hàng, một lúc vừa được trùng phùng với người tình cũ, lại vừa có giai nhân mới, lòng mừng vô hạn. Nhưng vẫn nơm nớp lo ngại viên biên tướng cho người đi tìm, nên càng có ý muốn rời chỗ ở đến Hàng Châu gấp, bèn bàn với Bình Ẩn Tử. Nhưng nàng tỏ ý e ngại.
Hàng nói :
-Nàng đã vì ta mà lao lực vất vả. Ba việc nay thiếu một, e ngọc bích không hoàn chỉnh ?
Nàng đáp :
-Ba niềm u khuất của chàng đều rất khó khăn, nay còn thiếu một, xin chàng giữ lại, coi như khiếm khuyết chung của thiên hạ.
Hàng cố nài nỉ, nhưng nàng quyết không thuận.
Đêm ấy, Hàng ngủ cùng hai mỹ nữ. Bất chợt nghe nhà cửa chấn động, ầm ầm như sóng gió ba đào ngoài biển cả. Rồi nghe thiếng binh khí giao phong, tiếng ngựa hí, tiếng người hò hét đâm chém nhau. Hàng kinh hãi. Lén nhìn qua khe cửa, chỉ thấy bên ngoài tối đen như hắc yến. Lát sau, nghe xa xa có tiếng chuông chùa vọng lại, cùng với tiếng gà gáy sáng te te. Sau đó, âm thanh tắt ngấm. Tịch mịch. Im vắng. Không nghe động tĩnh thấy gì nữa.
Sáng hôm sau, Hàng thức dậy, ra ngoài cửa nhìn. Thấy tứ phía là những thắng cảnh đẹp của Hàng Châu, nào là Linh Ẩn Tự, Thao Quang Tự, Phi Lai Phong, Suối Lãnh Tuyền hiện ra trước mắt chàng. Té ra Hàng đã được dời cư đếng đây.
Riêng Ẩn Bình Tử với chiếc bình tiên biến mất, không thấy đâu.
Năm sau, Hàng vác chiếc cổ cầm cùng hai mỹ nhân đến du ngọan vùng núi Thiên Thai và Nhạn Đãng Sơn, chợt thấy một đóa mây từ trên đỉnh núi bay gần lại. Trên mây có tiếng nói vọng xuống :
-Hàng công tử, lâu nay vẫn được an khang vui vẻ chứ ?
Hàng nhận ra là Bình ẨnTử, cố gạn hỏi chuyệ cũ, thì Bình Ẩn Tử nói :
-Vì muốn giúp chàng toại nguyện điêù mong ước thứ ba, mà thiếp suýt nguy đến tính mạng. Cái hôm thiếp dời nhà của công tử, lúc ngang qua Dương Tử Giang, gã Long Vương ngu đần ấy, vẫn còn mang hận cũ, đem binh ra đánh cướp, bị thiếp chém cụt một tai. Sau khi an bài cho công tử xong, thiếp tính trở về Nam Hải thì bị Bồ Tát biết được, phạt tám trăm trượng, đến nay vết thương vẫn cò chưa khỏi. Công tử là người nhân nghĩa, xin tụng cho thiếp vạn quyển "Lăng Nghiêm Kinh", thì thật mang ơn lắm. Cũng xin có hai chữ khuyên công tử : "Du hí" là điều đáng sợ .
Nói xong thì bay đi.
Khi trở về nhà, Hàng tụng cho đủ số kinh Ẩn Bình Tử căn dặn. Sau đó, học được tiên thuật, cùng hai mỹ nhân đi đâu.
Không ai biết cả.
Chú thích:
Khổng Bắc Hải
孔 北 海
Tức Khổng Dung (153-208 ), người thời Đông Hán nước Lỗ, tự là Văn Cử, hậu duệ của Khổng Tử, nổi tiếng là bậc tài tuấn, nhân vì nhậm chức Bắc Hải Tướng thời Hán Hiến Đế, nên người đời gọi là Khổng Bắc Hải. Danh vọng rất lớn.
Có lần vì gây sự tức giận cho Tào Tháo, nên bị Tháo cải nhậm làm Thái Trung Đại Phu, một chức nhàn quan.
Khổng Dung tính tình khoan dung, độ lượng, hiếu khách và yêu chuộng bậc hiền tài, trọng nho sĩ. Đặc biệt thích tán thưởng những người trê tuổi. Năm 40 tuổi ông từng làm quen và tiến cử Nễ Hành lúc đó mới hơn hai mươi tuổi.
Tuy bị thất thế, sống tại gia, nhưng ngày nào trong nhà cũng đầy tân khách. Ông thường nói :
"Tọa thượng khách thường mãn, tôn trung tửu bất không, ngô vô ưu hĩ坐 上 客 常 滿, 樽 中 酒 不 空, 吾 無 憂 矣- Chỗ ngồi khách luôn đầy, trong chén không thiếu rượu, thế là ta không còn phải lo phiền nữa. "
Sau Khổng Dung bị Tháo giết vì nghi kỵ.Trong văn thơ, người ta thường dẫn dụng câu nói này của Khổng Dung để chỉ sự ân cần hiếu khách.
Cát Hồng
葛 洪
Sinh năm 283 mất năm 363
Người thời Đông Tấn, nổi tiếng là Đạo Giáo học giả, Luyện đan gia, tự là Trĩ Xuyên, hiệu là Bão Phác Tử, người Đan Dương Câu Dung (nay thuộc Giang Tô), đời gọi là Tiểu Tiên Ông, xuất thân trong một thế gia đại tộc, quảng lãm chư tử bách gi, ham thích phép thần tiên đạo dưỡng. Tư Mã Duệ dùng làm duyện thuộc, tham quân, sau nhờ có công trấn áp cuộc nổi dậy của Thạc Băng thăng làm Phục Ba Tướng Quân, tước Quan Nội Hầu.
Đầu năm Hàm Hòa đời Tấn Thành Đế, nghe đất Giao Chỉ có nhiều đan sa, ông xin được làm Câu Lậu lệnh(nayở phía nam tỉnh Quảng Tây. ), rồi đem con cháu đến Quảng Tây, lên núi La Phù Sơn hái thuốc luyện đan tu hành ở đấy.
Ông chủ trương rằng muốn sống lâu người theo đạo học phải đa văn quảng kiến, biết khí pháp, đạo dẫn, luyện kim đan, phòng trung thuật. . . mới có thể trường thọ thành tiên được. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh phải lấy trung hiếu, thuận hòa, nhân tín làm căn bản, còn không tu trì đạo đức, mà chỉ chuyên vào phương thuật không thôi, không thể đạt đến chỗ trường sinh được.
Trứ tác của ông để lại hiện nay còn có : « Bão Phác Tử nội biên », « Bão Phác Tử ngoại biên », « Đạo Tạng », «Thần Tiên Truyện ».
An Nam Chí Lược của Lê Tắc chỉ viết rất sơ sài về ông.
Hàn Thế Trung
韓 世 忠
Sinh năm 1089 mất năm 1151.
Hàn Thế Trung là danh tướng thời Nam Tống, người Diên An (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, thành phố Diên An ), tự là Lương Thần, kiêu dũng thiện chiến.
Năm 18 tuổi, Hàn Thế Trung nhập ngũ tòng chinh, đánh bại quân Tây Hạ, sau tham gia trấn áp cuộc khởi nghĩa của Phương Liệp, lập nhiều chiến công, nhậm chức Gia Châu Phòng Ngự Sứ.
Khi Tống Cao Tông Triệu Cấu chạy xuống miền nam, bị Miêu Truyền và Lưu Chính Ngạn làm chính biến, ép nhường ngôi cho con là Triệu Phu, Hàn Thế Trung bèn cùng với Trương Tuấn, Lã Di Hạo tấn công Hàng Châu, bắt được Miêu và Lưu ở Ngư Lương rồi đem giết.
Mùa đông năm 1129 CN, Kim Ngột Truật thống lãnh mười vạn quân vượt Trường Giang xuống miền nam đánh Tống, Hàn Thế Trung dẫn tám ngàn quân sĩ đi thuyền vượt biển đến Trấn Giang, chặn đường về của Kim Ngột Truật, dằng co nhau mười bốn ngày, rồi đánh bại Kim Ngột Truật ở núi Hoàng Thiên Đãng.
Về sau khi Tần Cối được Tống Cao Tông Triệu Cấu đưa lên nắm chính quyền chủ chương hòa nghị với quân Kim, Hàn Thế Trung nhiều lần thượng sớ phản đối, lại vì cái chết oan uổng của Nhạc Phi mà cật vấn tội trạng của Cối, nên bị Cối thâu hồi binh quyền, bèn tự xin bãi chức, về nhà đóng cửa tạ khách, ẩn cư ở Tây Hồ.
Sau khi Hàn Thế Trung mất được phong là Kỳ Vương.
Túc hạ
足 下
Người dưới quyền