Trang

【Dạ Đàm Tùy Lục】●Phùng Hiệp

Uông Cẩn, người Hoa Đình, tuổi ngoài ngũ tuần, vẫn còn lao đao lận đận trên đường khoa cử. Sau nhiều lần lên kinh dự thí, nhưng chẳng đỗ đạt chi cả, tay trắng vẫn hoàn tay trắng, Cẩn đâm buồn chán, chỉ ở trong nhà, không muốn ra ngoài rong chơi.

Một hôm, gặp ngày gió thu man mác, Cẩn bỗng động niềm cố quận, bèn mua một con thuyền để xuôi Nam.

Trong khi chờ yết bảng, chàng cho buộc thuyền đậu ở mé tây huyện Võ Thành ngày trước. Giữa lúc Cẩn đang buồn vì cảnh chiều tịch mịch cô liêu, thình lình Cẩn thấy có một đứa nô bộc chạy sồng sộc đến, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đưa cho chàng một phong thư, nói :

-Ông chủ tôi là Phùng nhị quan, xin có thư bái yết !

Cẩn nhìn tấm danh thiếp, thấy đề mấy chữ, xưng là :

'' Hương quyến vãn sinh Phùng Hiệp ''

Cẩn tự thấy mình đã già, lại bần hàn, ngay cả người chí thân bè bạn có gặp trước mặt cũng chẳng thèm nhận, lẽ nào gã Phùng Hiệp này, bình sinh chàng chưa hề gặp, lại chủ động đến bắt thân với chàng. Hà huống lại ở nơi tha hương đất lạ. Càng không thể tin được.

Vì thế, Cẩn cho là có sự lầm lẫn, nên ba bốn lần từ tạ, không nhận tấm danh thiếp.

Đứa nô bộc nói :

-Vậy, chẳng hay công tử có phải quê ở Tòng Giang, họ Uông không đấy ?

Cẩn đáp :

-Đúng thế , tôi họ Uông quê ở Tòng Giang.

-Vậy thì không thể lầm được !

Nói xong, hộc tốc chạy đi.

Khoảnh khắc thì Hiệp tới. Áo quần rạng rỡ, mũ mạo chỉnh tề, tuổi tác vào khoảng ngoài tam tuần. Thoạt gặp Cẩn, Hiệp trịnh trọng khiêm tốn chắp tay vái chào, rồi lấy ra bốn tấm lụa Lộ Châu tặng cho Cẩn để làm lễ ra mắt , và tự giới thiệu :

-Đệ là người Sơn Tây, tính đi Dương Châu ghé thăm một người bạn làm Tuần Kiểm ở Thượng Quan Kiều . Nghe nói huynh cũng trở về Tòng Giang, nên đến xin huynh cho quá giang. Chẳng biết huynh có dung nạp nhau chăng ?

Cẩn thấy Hiệp có vẻ đôn hậu, ăn nói thật thà chất phác. Bèn nhận lời. Hiệp bảo đứa nô bộc mang khăn gói hành lý để vào cuối khoang thuyền.

Đến tối cùng nhau ngồi đàm đạo, Cẩn mới hỏi :

-Huynh người miền Tây, còn đệ người miền Nam, vì sao trên danh thiếp lại xưng là hương quyến với đệ ?

Hiệp đáp :

-Có điều huynh chưa rõ ! Tổ quán của đệ là người Tòng Giang, sau ngày đỉnh cách, đến đời Thanh, mới thiên cư đến Sơn Tây huyện Phần Dương. Sở dĩ, trên danh thiếp, đệ tự xưng là đồng hương với huynh là để cho khỏi quên mất cái nguồn gốc cũ mà thôi.

Cẩn lại hỏi :

-Sao huynh không ra làm quan, để khỏi phí cái tuổi thanh xuân đi ?

Hiệp đáp :

-Làm quan cũng là có số cả. Không thể cưỡng cầu được đâu. Đệ từng bỏ ra rất nhiều vàng bạc để mua lấy một chức quan ty, cuối cùng cũng công toi. Mới đầu thì còn ấm ức buồn phiền. Sau, dần dần hiểu ra. Chẳng phải ai cũng có thể muốn làm quan là được. Cứ như thân phận của đệ. Tài hoa thì không bằng đầu mũi chỉ. Còn khả năng thì không quá một gang. Dầu có ra làm quan, bất quá cũng chỉ là người ngồi không ăn lương thôi, chẳng làm nên nổi sự nghiệp to tát gì. Còn nói vì nghèo mới ra làm quan để kiếm chác, thì đó lại không phải sở nguyện của đệ, vả gia tư cũng phong phú giầu có. Nên nghĩ đi nghĩ lại, đệ đành làm một kẻ bố y bình dân thôi. Chẳng hay huynh có biết chuyện Giang Đông Độc Bộ Vương Thản Chi ngày xưa không?Giả sử cứ giữ chí đừng ra làm quan, thì thanh danh thuở thiếu thời còn tồn tại mãi, đâu đến nỗi phải cầm hốt ngược lòi chuôi, để cho hậu thế chê cười.

Cẩn chán ngán thở dài :

-Huynh nói rất đúng. Có tiền hối lộ, mà còn chẳng làm quan được, huống hồ nghèo như đệ không có tiền hối lộ, lại không chịu để bị đời bịp, liệu có được không ?

Hiệp nói :

-Đạo lý mỗi ngày một suy vi. Hễ có sự canh biến thuyên chuyển, lần đầu thì còn ủy thác gửi gấm được. Đến lần sau, nếu không hối lộ không xong. Vì thế, người công chính ngay thẳng bị bỏ rơi nơi thôn dã, đứa nha dịch ti tiện được đề bạt vào làm quan trong triều. Bậc liêm khiết bị truất phế, kẻ tham ô gian nịnh được thăng thưởng. Thậm chí, vua mua chuộc bầy tôi, bầy tôi mua chuộc vua. Bậc hiền giả còn bị biến chất, nói chi đến người thường.

Cẩn nghe những lời luận bàn thâm sâu xác đáng của Hiệp, rất lấy làm bội phục. Nỗi buồn chán u ẩn chất chứa trong lòng bấy lâu, nhất thời tiêu tan đi hết.

Từ đấy, hai người sáng chiều gặp nhau, tình ý rất là tương đắc.

Một hôm, thuyền đến địa giới huyện Hoài An, gặp ngày rằm tết Trung thu, khí trời mát mẻ, Cẩn ra chợ mua rượu thịt về mời Hiệp cùng đánh chén, thưởng trăng. Đến lúc rượu ngà ngà say, Hiệp thình lình nâng chén rượu lên, cảm khái đọc một câu thơ của Lục Cơ đời Tam Quốc lúc bị hại :

Hoa Đình hạc lệ, khả phúc văn hồ ?

Cẩn không hiểu rõ ý của Hiệp, nhân mới hỏi :

-Người bạn của huynh làm quan Tuần Kiểm, gia cảnh hẳn là thanh bần kham khổ. Huynh vừa đi vừa về mất cả mấy ngàn cây số, chẳng hóa ra vô ích sao ?

Hiệp nghe hỏi , chỉ im lặng không nói. Mt lúc sau mới đặt chén xuống bàn, buông tiếng thở dài não nuột , nói :

-Mấy tuần nay, cảm ơn huynh hậu đãi. Đệ đã mấy lần muốn đem lòng thành bầy tỏ cho huynh rõ , nhưng lại e làm huynh sợ hãi, nên cứ ẩn nhẫn không nói. Nay huynh đã hỏi, chẳng đành dấu diếm được nữa. Gã họ Trần, làm quan Tuần Kiểm ở Thượng Quan Kiều ấy, tuy là bè bạn, nhưng thực ra kẻ thù. Cách nay mười ba năm, đệ đem một ngàn tấm vải Tô Châu đi bán. Đến trấn Nhẫm Bình, đệ ngụ chung với Trần trong một lữ quán. Hôm ấy gặp ngày mưa to lũ lụt, đường xá không đi lại được, thương khách đều phải trọ lại trong quán. Trần cùng một số người khách bèn mở cuộc đổ bác đỏ đen. Chỉ một đêm, Trần thua sạch túi, lại còn nợ người ta hơn một trăm lạng nữa, không vay mượn được ai mà trả, bị chủ nợ chửi bới lăng nhục thậm tệ. Đệ thấy thế, thương tình, bỏ tiền ra trả nợ hộ. Việc mới yên. Lại cho thêm hai chục lạng để làm lộ phí. Lúc bấy giờ, Trần tỏ ra mang ơn rất mực, dù phải tan xương nát thịt để báo đền. Sau đấy Trần bảo với đệ :

-Em ở nhà còn có cha mẹ già, mà không sao nuôi nổi, muốn bỏ tiền theo lệ triều đình mua một chức quan nhỏ, ngặt trong túi không còn một xu. Anh là người trọng nghĩa khinh tài, liệu có thể giúp em năm trăm lạng nữa được không ?Nếu sau này được tuyển bổ, em xin hậu báo, không quên.

Thấy hắn có vẻ là người con hiếu thảo, đệ vui vẻ đồng ý nhận lời ngay. Lúc đó đệ thật là hồ đồ, nên chẳng bảo hắn làm giấy tờ gì cả. Năm năm sau, đệ đem hàng trở lại kinh sư bán, nghe tin Trần được bổ vào một chân quan khuyết ở Dương Châu, chưa làm xong thủ tục, còn chờ tin tức ở ngoài cửa Tuyên Võ. Trong lòng đệ lấy làm mừng cho hắn, vội vã đến thăm, chứ chẳng nghĩ gì đến chuyện nợ nần. Ai ngờ, hắn lấy cớ là đi vắng, từ chối không tiếp. Đệ trở lại hai ba lần nữa, hắn mới miễn cưỡng tiếp , nhưng tỏ ra lãnh đạm, kiêu căng.

Cẩn nghe Hiệp kể, nổi cơn tức giận đến lòi con mắt, than :

-Lòng người khó lường đến thế là cùng !

Hiệp lại nói :

-Đệ nghĩ chẳng phải tại lòng người khó dò đâu, mà tại bọn mình quá thực thà, chân thật, đem lòng quân tử đãi bụng kẻ tiểu nhân mà thôi. Huynh hẳn chưa nghe chuyện ''Con lang ở trong núi'' à ?

Cẩn đáp :

-Có, đệ có nghe. Đệ cũng đã vốn ghét cái bọn vong ân phụ nghĩa từ lâu. Bọn người như chúng, huynh nên đòi lại tiền, rồi cắt đứt không giao thiệp gì với hắn nữa, đường ai nấy đi là xong.

Hiệp nói :

-Đệ suy kỹ lại, cơn nóng bốc lên, đòi hắn trả lại món nợ . Hắn chẳng những không trả, lại còn buông những lời tục tĩu, rủa đệ là đồ vô lại. Đệ phẫn hận, cùng hắn cãi cọ phải trái , đâu phải vì tiếc món tiền nợ, chỉ vì giận hắn quá bạc bẽo. Hắn còn âm hiểm, giảo trá, ngậm máu phun người như loài quỷ vực, mua chuộc bọn phường khóm, ỷ quyền cậy thế, bắt đệ đưa đến nha môn. Đệ không có bằng cớ nào để chứng minh, quan phủ lại chỉ nghe lời hắn, cho đệ là bịa đặt để lấy tiền của người, rồi tống giam đệ vào ngục, đánh đập tra khảo bắt phải nhận tội. Đệ chịu không nổi những nghiêm hình kéo dài tàn khốc, mà phải chết trong ngục thất tha hương lạnh lùng. Oan hồn không tiêu tán được, mới đến Diêm La Điện cáo án, được Diêm Vương thương tình hoàn huyết. May, lại được huynh cho đi theo về Dương Châu, nếu sau này trả được mối thù, nguyện xin kết thảo hàm hoàn, báo đáp ơn sâu !

Cẩn nghe kể, mình nổi gai ốc, lạnh toát cả người, hỏi :

-Vậy ra huynh là ma, chứ không phải là người !

Hiệp đáp :

-Vâng, xin cứ ra chỗ đèn sáng trăng soi mà nghiệm thì sẽ rõ !

Nói xong, Hiệp đi ra chỗ có ánh trăng. Quả nhiên, Cẩn chẳng thấy một hình tích nào của Hiệp cả. Cẩn sợ quá, mồ hôi toát ra, ướt đầm áo, ngồi ngây người như gà gỗ, mặt xám ngắt như tro.

Hiệp thấy thế, an ủi :

-Xin huynh đừng có sợ!Ma hay  Quỷ cũng như người vậy thôi. Có nhiều loại lắm. Nào là Câu Hồn  Quỷ, Sách Mệnh  Quỷ, Sắc  Quỷ, Ngạ  Quỷ, Oan Khuất  Quỷ vân vân. Đệ thuộc loại Oan Khuất  Quỷ, chỉ cần báo cừu tuyết hận, xong lại trở về dương thế, không hề làm hại người ta. Vả, huynh đối đãi tốt với đệ hậu như thế này, lẽ nào lại hại huynh sao ?

Một lúc lâu sau, Cẩn mới hơi hoàn hồn. Tuy thế , Cẩn cả ngày vẫn cứ áy náy, nóng lòng như ngồi phải lửa, cùng Hiệp trông ngóng ra ngoài.

Chừng thuyền đến Dương Châu, Hiệp mới buồn rầu bảo Cẩn :

-Từ đây xin tạm biệt với huynh. Nhưng đã có duyên ắt còn ngày sẽ gặp lại nhau . Đệ vốn biết huynh với quan thái thú Dương Châu là chỗ cố giao, ngày mai huynh có đến thăm, nhờ huynh thay đệ nói h nỗi oan khuất của đệ , đừng để cho đứa vong ân phụ nghĩa, lấy ân trả oán, lấy danh nghĩa thanh liêm mà lừa dối thiên hạ nữa.

Nói xong, chắp tay vái từ biệt Cẩn, rồi ra đi. Cẩn cũng cảm động, bụng buồn bã, đưa tiễn Hiệp xuống thuyền, và chỉ đứa nô bộc của Hiệp hỏi :

-Thế thằng bé đày tớ này của huynh cũng là ma à ?

Hiệp đáp :

-Đệ đã là ma, thì lẽ nào đày tớ lại là người được. Thằng bé này đệ bỏ năm ngàn quan mua nó ở dưới cõi âm đấy. Nó cũng là người đồng hương với huynh, con gã Lý Tứ bán giầy vớ ở cửa Nam thị trấn Tòng Giang đấy mà !

Sau khi hai thầy trò Hiệp ra đi, Cẩn mới yên lòng, nhưng tính vốn kín đáo, nên thủ khẩu như bình, không hề hé môi thuật lại một lời. Vì thế, cả thuyền không một ai biết gì về câu chuyện đã xẩy ra trên đây.

Ngày hôm sau , Cẩn vào thăm người bạn cũ là viên Thái Thú Dương Châu, được Thái Thú mời ở lại uống rượu hàn huyên, cùng nhau ôn lại chuyện cũ. Giữa lúc hai người rượu đang cao hứng, thình lình viên tiểu tốt gác cổng vào thông báo là viên Tuần Kiểm họ Trần ở Thượng Quan Kiều, đêm qua bất ngờ bị bạo bệnh qua đời.

Thái Thú kinh ngạc, nói :

-Viên Tuần Kiểm này thường ngày vẫn mạnh khỏe, sao bỗng dưng lại chết bất đắc kỳ tử như thế ?

Cẩn thở dài :

-Có oan có báo, có thù có trả , âm hay dương cũng đều như thế cả, lẽ trời há dám xem thường được sao !

Nhân thế mới đem chuyện oan hồn của Hiệp theo thuyền xuống Dương Châu để trả thù, nhất nhất thuật lại cho viên Thái Thú nghe.

Thái Thú nghe xong, chỉ há mồm trợn mắt ngạc nhiên, không nói năng gì.

Sau này, đến sưu tra nhà cuả Trần, viên Thái thú tịch thâu được một ngàn hai trăm lạng, trong lòng lấy làm tức giận Trần là người bất chính, bèn tặng hết cho Cẩn.

Cẩn về quê nhà, thăm dò hỏi han nhiều lần, quả nhiên tìm được gia đình Lý Tứ , có đứa con trai mười lăm tuổi chết cách đây đã hai năm.

Tướng mạo hình dạng trông hệt đứa đày tớ của Hiệp.

  _______________________________________________________________

 Chú thích :

Hương quyến vãn sinh Phùng Hiệp (鄕 眷 晚 生 冯 勰)

Câu này bày tỏ ý nhún nhường , khiêm xưng đối với người khác, ý như nói « Kẻ đồng hương sinh sau đẻ muộn là Phùng Hiệp »



Đỉnh cách (鼎 革) :

Đỉnh Cách là tên một quẻ trong Kinh Dịch, có nghĩa bỏ cái cũ lấy cái mới, sau chỉ việc thay đổi triều đại , trong câu này ý nói nhà Thanh lên thay thế nhà Minh ở bên Tàu.

Ở ba triều đại, Hạ, Thương, Chu, « đỉnh » được coi báu vật của quốc gia, tượng trưng của chính quyền. Quốc gia bị diệt tắc đỉnh bị thiên di. Nên trong văn chương khi nói đến việc thiết lập một chính quyền, xác đinh quốc đô, thì bảo là « định đỉnh ». Còn biểu thị cái ý muốn soán đoạt ngôi vua thì bảo là « vấn đỉnh » « quan đỉnh ». Quốc gia bị loạn lạc thì gọi là « luân đỉnh ». Thay đổi triều đại, thì gọi là « thiên đỉnh » hay « di đỉnh ». Còn nói chính quyền nhà Chu thì gọi là « Chu Đỉnh »



Bố y (布 衣) :

Y phục được chế bằng ma bố (vải gai) hoặc bằng cát bố (vải đay) gọi là bố y. Nước Tàu thời cổ , trước khi có việc chuyển nhập bông vải vào, vật liệu chức phẩm làm quần áo là gai, đay, và tơ . Thông thường thì chỉ có quý tộc và quan viên được mặc y phục dệt bằng tơ, còn giới bình dân thì mặc quần áo bằng vải gai, vải đay, gọi chung là bố y. Vì thế, bố y trở thành từ ngữ chỉ người bình dân.

Lý Tư , trong "Sử Ký -Lý Tư Liệt Truyện" của Tư Mã Thiên, bị gọi một cách khinh thị là ''Thượng Sái bố y, lư hạng chi linh thủ 夫 斯 乃 上 蔡 布 衣 閭 巷 之 齡 首'' -dân áo vải đất Thượng Sái, kẻ đầu đen trong xóm ngõ- tức kẻ bình dân. Sau Lý Tư làm thừa tướng nước Tần.

Bố y, còn chỉ người học trò lúc tay trắng nghèo, chưa hiển đạt.



Lục Cơ (陸 機) :

Lục Cơ là văn học gia, trứ danh đời Tây Tấn, người Hoa Đình , Ngô Quận (nay là huyện Tòng Giang, thành phố Thượng Hải), xuất thân thế gia đại tộc. Lúc còn trẻ, ông từng nhậm chức Nha Môn Tướng dưới triều Ngô . Sau khi Ngô bị diệt vong, ông không ra làm quan trong vòng mười năm.

Năm Thái Khang đời Tấn Võ Đế, ông cùng em là Lục Vân đến Lạc Dương, tiếng tăm vang động một thời.

Ông làm quan nhà Tây Tấn trải qua các chức Thái Tử Tẩy Mã, Trứ Tác Lang, Trung Thư Lang, rồi làm Bình Nguyên Nội Sử, nên người đời gọi là Lục Bình Nguyên.

Năm 303 ông vâng lệnh Thành Đô Vương đem quân thảo phạt Trường Sa Vương, thất bại, bị dèm pha, rồi bị Thành Đô Vương giết.

Khi ra pháp trường ông có than rằng : « Dục văn Hoa Đình Hạc Lệ, khả phúc đắc hồ ! » (Nay có muốn được nghe lại tiếng hạc kêu ở Hoa Đình quê nhà, đâu còn được nữa). Hậu thế dùng điển tích này để bầy tỏ cái ý nuối tiếc đã ra làm quan để rồi gặp tai nạn, hoặc bầy tỏ cái tình nhớ quê hương, và quyến luyến nhân sinh.

Hoa Đình Hạc Lệ (華 亭 鶴 唳 ) :

Coi chú thích Lục Cơ ở trên.



Tuyên Võ (宣 武) :

Tức Tuyên Võ Môn. Cựu thành Bắc Kinh ngày xưa có chín cửa. cửa này nằm ở phía nam. Nhà Nguyên gọi là Cửa Thuận Thừa, đến năm Chính Thống tứ niên (tức năm 1439) đời Minh Anh Tông mới đổi là Tuyên Võ, tục gọi là Thuận Trị Môn.


Diêm Vương (閻 王) :

Trong thần thoại cổ Ấn Độ , Diêm Vương còn gọi là Diêm La, Diêm LaVương, Diêm Ma Vương, là vị vua trông coi âm gian. Đạo Phật sử dụng thần thoại này coi là Ma Vương cai quản địa ngục. Theo truyền thuyết, thuộc hạ của Diêm Vương có 18 vị Phán Quan, chia ra cai quản 18 tầng địa ngục, trông coi các sổ sinh tử của người trần gian.

Diêm Vương được dịch ý từ chữ Phạn Yamarãjã.



Kết thảo hàm hoàn (結 草 銜 瓌) :

Có nghĩa như đền ơn đáp nghĩa.

Thành ngữ này rút từ hai điển tích là :

1-Kết thảo báo Ngụy.

2-Hoàng tước hàm hoàn.

-Kết thảo báo Ngụy.

Thời Xuân Thu, quan Đại Phu nước Tấn là Ngụy Võ Tử, có người ái thiếp là, chưa có con, khi bắt đầu bệnh, Võ Tử dặn con trai là Ngụy Khỏa rằng : « Sau khi ta chết, thì cho bà ấy cải giá ». Đến lúc bệnh nguy kịch lại dặn là : « Sau khi ta chết, thì cho bà ấy tuẫn táng theo ta ».

Khi Ngụy Võ Tử chết, Ngụy Khỏa cho người ái thiếp ấy được cải giá, và giải thích là tuân theo ý của cha mình lúc còn tỉnh táo.

Sau này, Ngụy Khỏa đánh nhau với viên tướng nổi tiếng của Tần, là Đỗ Hồi, Ngụy Khỏa thấy có một ông già dùng cỏ kết thành giây, ngáng trở chân ngựa của Đỗ Hồi, làm Đỗ Hồi té và vị bắt.

Ban đêm , Ngụy Khỏa nằm mộng thấy ông già ấy đến bảo : « Lão là cha người đàn bà mà ông đã cho cải giá, mà không bắt phải tuẫn táng, lão đến để tạ ơn.

-Hoàng tước hàm hoàn.

Theo truyền thuyết, Dương Bảo người đời Hán, lúc chín tuổi, đến chơi núi Hoa Âm thấy con chim hoàng tước bị chim si kiêu , đánh bị thương rơi ở gốc cây, lại còn bị kiến bâu vào chỗ bị thương, nên động lòng trắc ẩn, , bèn đem về nhà cho vào lồng nuôi dưỡng, lấy hoa vàng cho ăn. Sau một trăm ngày, con hoàng tước khỏi, lông cánh mọc đầy, cứ sang bay đi chiều bay về. Vài ngày sau thì bay đi luôn.

Một tối, vào khoảng canh ba, Bao đang ngồi đọc sách, bỗng thấy có một đồng tử mặc áo màu vàng đến vái chào, nói : « Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu, nhân xuất sứ Bồng Lai, giữa đường bị chim Si Kiêu làm hại, may nhờ lòng nhân ái của ông cứu giúp, lòng thật cảm kích vô cùng ». Nói xong lấy bốn cái vòng bạch ngọc tăng cho Bảo, rồi nói : « Kính chúc con cháu ông sau sẽ liêm khiết trong trắng như bốn chiếc bạch ngọc này, và làm quan đến Tam Công.

Quả nhiên, con cháu bốn đời của Dương Bảo đều làm đến đại thần.



Thái thú (太 守 ) :

 Tên gọi một chức quan.

-Nhà Tần đặt chức Quận Thú, trông coi mọi việc cai trị.

-Đến đời Cảnh Đế nhà Hán thì đổi Quận Thú là Thái Thú, là vị quan đứng đầu coi việc hành chánh, trật nhị thiên thạch. ( Thái Thú đầu tiên của quận Giao Chỉ là Thạch Đới, do Hán Võ Đế phái đến, và Thái Thú nổi tiếng là tàn ác là Tô Định, bị hai Bà Trưng đánh đuổi về Tầu)

-Đời nhà Tùy đổi quận ra là châu, đặt quan Thứ Sử đứng đầu coi một châu.

-Đời Đường lại đổi châu thành quận, thì vị trưởng quan là Thái Thú. Sau đó lại đổi là châu, thì lại gọi là Thứ Sử.

-Đời Tống đổi quận làm phủ hoặc là châu, vì thế cũng gọi là tri phủ, hay tri châu, là thái thú.


Trung sơn lang (中 山 狼) :

Trong văn thơ cổ điển của Trung Quốc, người ta thường dùng từ ngữ "trung sơn lang 中 山 狼-Con lang ở trong núi Trung Sơn", để chỉ kẻ vô ơn bạc nghĩa.

Theo "Trung Sơn Lang truyện" của Mã Trung Tích thì Triệu Giản Tử đi săn ở núi Trung Sơn, bắn trúng một con lang, lang đào tẩu chạy trốn, Triệu Giản Tử đuổi theo bắt, bấy giờ Đông Quách Tiên Sing đi qua, con lang van xin cầu cứu. Đông Quách Tiên Sinh động lòng từ bi, bỏ con lang dấu vào trong cái túi đựng sách, để che dấu Triệu Giản Tử, nhờ thế con lang thoát chết. Con lang được sống, chẳng những không tạ ơn cứu mệnh, trái lại còn muốn ăn thịt Đông Quách Tiên Sinh.


Dương Châu (揚 州):

Dương Châu là một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô, nằm ở trung bộ tỉnh Giang Tô ngày nay.

-Thời Xuân Thu năm 486 trước CN , Ngô Vương Phù Sai bắt đầu đào Hàn Câu và xây dựng

Hàn Thành ở đây . Đến nhà Tần thì đặt huyện Quảng Lăng, thuộc quận Cửu Giang. Sau đó trở thành trị sở của quốc, quận, châu, và phủ.

-Năm 558 CN nhà Tùy bỏ quận, đặt ra châu, mới bắt đầu có tên là Dương Châu. Tùy Dạng Đế ba lần đến Giang Đô, khai thông Tế Cừ, và Hàn Câu , nên từ Trường An đến Giang Đô, lập hơn 40 ly cung.

-Đời nhà Đường, Dương Châu trở nên một trung tâm thương mại lớn nhất toàn quốc. Nhà thơ Đỗ Mục , thời Văn Tông , là mộ liêu của Ngưu Tăng Nho ở Dương Châu, từng có bài thơ , nuối tiếc cảnh phồn vinh đô hội ở đây. Sau trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Dương Châu bị tàn phá.

-Nhà Minh thương nghiệp và thủ công nghiệp lại phát triển, năm Gia Tĩnh tam thập tứ niên , tức 1555 CN, ở phía tây của cựu thành cho xây cất thành tường, và đặt tên là Tân Thành.

-Đến nhà Thanh, nhân vì nơi đây là trung tâm vận chuyển đường thủy, chuyên trở lương thực, và ngành buôn bán muối, nên Dương Châu lại trở nên phồn thịnh sầm uất. Các hoàng đế nhà Thanh như Khang Hy, Càn Long nhiều lần xuống miền nam và đến Dương Châu.

Dương Châu từ cổ nổi tiếng có nhiều vườn cây đẹp, là nơi tụ tập của nhiều bậc danh gia, anh tài, với nhiều di tích văn hóa, lịch sử. , như các lăng mộ nhà Hán , Đại Minh Tự, Bình Sơn Đường, Sấu Tây Hồ, Tam Chúc Am, Tiên Hạc Tự v. v. . .