Trang

【Đông Du Ký】Hồi thứ nhất

Ngưng Dương lánh tục tìm thầy
Lão Tử giáng sinh dạy đạo

Nói về Lý Thiết Quả. Ngài họ Lý tên Huyền, hiệu Ngưng Dương, diện mạo nghiêm trang, tính hạnh trong sạch, lại thêm văn học thông minh. Đến năm hai mươi tuổi, ý muốn tu tiên, không mộ công danh phú quý. Vì xét lại cuộc đời không có chi bền chắc, rất đổi giang sơn còn phải dời, biển dâu còn phải biến, tháng ngày thấm thoát như thoi đưa, giờ khắc trải qua như tên bắn, trẻ sớm già, già sớm chết, việc vinh hoa như giấc chiêm bao, chi bằng tu hành làm thần tiên là quý. Nghĩ như vậy liền từ giả thân nhân bè bạn, lên non núi, ở lều tranh động đá thanh nhàn. Lại còn lười ăn, uống thuốc tịch cốc. Xảy nghe đồn ông Lý Lão Tử đi dạy đạo đã đến núi Họa Sơn. Lý Ngưng Dương nghĩ rằng: “Ngài một họ với ta, lại đứng đầu mối đạo, cũng nên đến học với ngài”. Nghĩ rồi liền bỏ động đi tầm sư học đạo. Đi dọc đường ngâm thở rằng:

Tâm tánh con người có thấp cao,
Khen lò tạo hóa đúc anh hào
Làm trai hiểu thấu vòng vinh nhục,
Được chữ thanh nhàn khỏi chữ lao.

Ngâm thơ rồi đi rất lâu mới đến Họa Sơn thì Mặt trời đã lặn. Lý Ngưng Dương nghĩ rằng: “Mình là đệ tử, lẽ nào dám đến ban đêm mà gõ cửa, chi bằng ở trên bàn thạch, đợi sáng sẽ hay”.

Nói về Lão Tử là một vị thánh, từ khi có trời đất đã xuống trần rất nhiều lần, song chưa có đầu thai. Sau đến đời Thương có nàng Ngọc Nữ tám tuổi, tự nhiên mang thai. Thiên hạ lấy làm quái gở. Ngọc Nữ mang thai tám mươi năm, nhằm đời vua Thương Võ Đinh, năm Canh Thìn, ngày rằm tháng hai, giờ sửu, Ngọc Nữ thấy trăng tỏ nên đi dạo dưới cội cây lý, liền nức hông bên tả, ông Lão Tử liền nhảy ra từ đó, chỉ cây lý mà nói rằng: “Họ ta đó”. Bà Ngọc Nữ kinh hãi, xem lại hông thì đã liền lại như trước. Sau bà ấy thành tiên. Còn Lão Tử khi mới ra đời râu tóc đã bạc, nên xưng là Lão Tử, lại có một hiệu khác là Lão Đam, lại mỗi tai có thêm môt tai bên trong, nên xưng là Lý Nhĩ, miệng rộng răng dày, thiên đình cao, râu tốt, mắt sáng, tai dài, sóng mũi cao, trên tráng có chỉ như hai chữ Thiên, tự là Bá Đương, quê quán tại nước Sở, huyện Khổ, làng Lại, xóm Khúc Nhân. Ngài là một vị thánh giáng sinh nên biến hóa vô cùng, khi đằng vân, cưỡi hạc về cung tiên, khi xuống trần thế.

Đời nhà Châu, vua Thành Vương. Lão Tử có ra làm quan Trụ Hạ Sử, sau ngài từ chức đi dạo tới nước Thiên Trước và Tây Phương. Khi Châu Khương Vương tức vị, ngài trở về Châu được hai ba năm, ngài lại cưỡi thanh ngưu đi giáo đạo nước Tây Vức, mới đi đến ải Hàm Cốc, độ cho quan huyện Doãn Hỷ.

Ông Doãn Hỷ chính là Nguyên Thủy Thiên Tôn giáng sinh, người huyện Thiên Thủy, khi bà mẹ còn mang thai ông Doãn Hỷ, chiêm bao thấy đoạn lụa đỏ trên trời sa xuống quấn quanh mình, sau sinh ông Doãn Hỷ thì xung quanh nhà sen mọc trổ hoa. Đến lớn ông có đôi mắt sáng như sao, râu dài như Lão Tử, rất giỏi thiên văn. Khi làm quan huyện tại ải Hàm Cốc, xem thiên văn thấy có thần tiên khí bên đông qua tây, biết có vị thánh đi ngang qua ải mình mà qua Tây Vức, liền nói với thơ lại rằng: “Nếu ngươi thấy người nào hình dung khác thường đi qua đây, thì báo cho ta biết”.

Đời Châu Khương Vương năm thứ hai mươi ba, hôm tháng bảy, ngày giáp tý, Lão Tử ngồi trên xe trắng, con trâu xanh kéo xe đến ải Hàm Cốc, Từ Giáp đánh xe. Thơ lại thấy Lão Tử cốt cách phi thường, liền báo với quan huyện, Doãn Hỷ nói: “Hôm nay ta chắc gặp thánh nhân”. Nói rồi áo mão tề chỉnh ra nghinh tiếp, quỳ mà thưa rằng: “Xin thầy thương tôi ở lại đây mà dạy dỗ!”. Lão Tử nói: “Ông nói lầm đó. Tôi là ông tiều, đi ra ngoài ải mà lấy củi, ông giữ tôi ở lại mà làm chi?”. Doãn Hỷ lạy và thưa rằng: “Thánh nhân không lẽ đi lấy củi, tôi biết thầy đi qua phương Tây, nên tôi sẵn sàng mở cửa ải mà đợi, cúi xin nán lại ít ngày!”. Lão Tử nói: “Tôi hỏi thăm đường đi qua ải, nghe đồn Cổ tiên sinh thông phép thần tiên, biết cơ trời đất, tôi tìm Cổ tiên sinh mà học, người giữ lại mà chi?”. Doãn Hỷ thưa rằng: “Tôi ngắm hình dung thầy, là thánh nhân giáng thế nên tôi quyết học ít nhiều, xin nhờ ơn dạy dỗ!”. Lão Tử hỏi: “Vì cớ nào mà thầy biết?”. Doãn Hỷ thưa rằng: “Tôi xem thiên văn thấy điềm trời biết có thánh nhân qua ải”. Lão Tử cười rằng: “Ngươi đã biết ta lẽ nào ta không biết ngươi?”. Ngươi đã có thần thông, chắc là học đạo dạy đời được đây”. Doãn Hỷ rước vào ải, làm lễ rồi thưa rằng: “Chẳng hay kẻ đệ tử có được biết hiệu của thầy chăng?”. Lão Tử nói: “Ta sinh nhiều đời nên họ biết bao nhiêu mà kể. Còn bây giờ ta họ Lý, tự Bá Dương”. Nói rồi ở hơn ba tháng mà dạy Doãn Hỷ đạo tiên.

Nói về Từ Giáp là kẻ đánh xe cho Lão Tử rất lâu năm. Lão Tử nói: “Ngươi đánh xe tới ải Hàm Cốc, thưởng bảy trăm ba chục muôn đồng tiền điếu”. Bởi cớ ấy nên Từ Giáp hỏi tiền. Lão Tử nói: “Ta đi tới nước này nước kia mới có, sẽ trả cho ngươi, và thưởng thêm. Bởi ba tháng nay ở tại đây nên không có tiền”. Từ Giáp nghe hứa, liền dắt thanh ngưu cho ăn cỏ ngoài đồng.

Lão Tử bẻ một nhành hoa, biến ra một gái rất đẹp, mà thử Từ Giáp. Từ Giáp thấy nàng ấy theo tỏ tình với mình thì mê lắm. Tính không đi theo Lão Tử nữa, muốn có tiền mà cưới nàng ấy, ở đó làm ăn. Liền đến quan kiện Lão Tử mà đòi bảy trăm ba chục muôn đồng điếu. Lão Tử nói: “Ngươi theo ta hai trăm năm nay, đáng lẽ đầu thai nhiều kiếp, nhờ ta cho uống lá bùa Thái Huyền nên ngươi trường thọ. Sao ngươi quên lời giao ước mà kiện ta?”. Nói xong thì thấy lá bùa trong miệng Từ Giáp bay ra, nét chữ tinh nguyên như mới vẽ. Từ Giáp ngã xuống, da thịt tiêu biến chỉ còn lại một đống xương khô. Doãn Hỷ quỳ lạy xin lỗi giùm Từ Giáp, và van xin người cải tử hoàn sinh. Lão Tử ném lá bùa vào đống xương, Từ Giáp hiện hình sống lại. Doãn Hỷ trả tiền y số cho Từ Giáp, rồi phạt cách nhẹ nhàng. Sau Từ Giáp tìm nàng ấy không được, hỏi ra mới biết là Lão Tử biến hóa mà thử mình, ăn năn đã muộn.

Ngày kia Lão Tử nói với Doãn Hỷ rằng: “Khi trước ta nói Cổ tiên sinh, thật là ta đó, nay giã từ đi dạo phương xa”. Doãn Hỷ quỳ lạy xin theo. Lão Tử nói: “Ta đi khắp nơi ngươi theo sao được?”. Doãn Hỷ thưa rằng: “Dù nhảy vào nước sôi, ngồi trên than lửa, sống thác cực khổ tôi cũng nguyện theo thầy”. Lão Tử nói: “Tuy ngươi có lòng như vậy, song mới tu còn non, chưa từng biến hóa thần thông, theo ta sao được. Ngươi cứ tu hành theo phép cho lâu, thì sau cũng như ta muốn đi đâu mà không được”. Nói rồi đưa ra cuốn Đạo Đức Kinh gồm năm nghìn ba trăm sáu mươi ba chữ, dặn rằng: “Ngươi cứ theo phép mà tu, rồi sau đi qua nước Thục, tìm ta tại Thanh Dương Tứ[1] ”. Nói rồi nhảy lên mây, hiện hào quang, ngồi trên xe trắng, trâu xanh kéo xe bay đi. Doãn Hỷ làm lễ, trông theo thầy mà khóc ròng. Rồi cứ xem kinh mà tu hành theo phép, lâu ngày thông thái đặt thêm cuốn kinh ba mươi sáu bài gọi là kinh Tây Thăng.

Đến ngày hẹn với Lão Tử,Doãn Hỷ qua nước Tây Thục, hỏi thăm chợ Thanh Dương mà tìm thầy, không ai biết chợ ấy mà chỉ, vì không có chợ nào tên Thanh Dương.

Nói về Lão Tử, từ khi về thiên cung, năm sau đầu thai vào nhà họ Lý tại Tây Thục là nhà có đức lớn. Khi sinh được ít tháng, có có con dê xanh đến giỡn chơi với em bé. Ấy là Lão Tử dặn thanh ngưu hiện xuống. Ngày kia con dê xanh chạy mất, em bé cứ khóc hoài, ông chủ cưng con, sai đầy tớ kiếm được thanh dương dắt ngang qua chợ. Doãn Hỷ trông thấy mừng rỡ bàn rằng: “Chợ có dê xanh là Thanh Dương Tứ, chắc thánh sư ở tại chốn này”. Nghĩ rồi hỏi thằng nhỏ rằng: “Ngươi dắt con dê ấy đi đâu vậy?”. Thằng đầy tớ nói: “Chủ tôi sinh một người con trai, cách ít tháng có con dê này tới giỡn với tiểu chủ. Hôm nay nó đi mất, tiểu chủ cứ khóc hoài, nên chủ tôi sai đi kiếm”. Doãn Hỷ đi theo gần tới nhà dặn rằng: “Ngươi vào trước thưa với tiểu chủ, nói có Doãn Hỷ đi tìm”. Thằng đầy tớ nực cười, nghĩ thầm rằng: “Con nít mới thôi nôi, biết chi mà báo tin”. Liền bước vào nhà vừa nói vừa cười: “Có Doãn Hỷ tìm cậu!”. Em bé nghe nói, vùng ngồi dậy, lấy áo mặc vào và nói rằng: “Doãn Hỷ y lời không đến trễ”. Kế đó Doãn Hỷ bước vào, thấy em bé lớn lên như người thường, ngồi trên tòa sen, hào quang sáng chói. Nội nhà ai nấy đều kinh hãi, người ấy nói: “Ta là Lão Tử đầu thai một lần nữa!”. Doãn Hỷ mừng rỡ lạy mà thưa rằng: “Không ngờ tôi có phước gặp thầy tại chốn này”. Lão Tử nói: Lúc trước ta chẳng dắt ngươi theo, là sợ tu không bền chí, nay ngươi tu luyện đã kỹ lưỡng, hào quang ẩn ẩn muốn hiện, có thể niệm chú gọi thần tiên xuống hầu. Phong Doãn Hỷ chức Nguyên Thủy chưởng giáo, coi cai trị tám vạn thần tiên, lại truyền phép nội nhà tu luyện, hơn trăm nhân khẩu đều thành tiên.

Đời vua Châu Kinh Vương năm thứ mười bảy, Khổng Tử qua nước Châu hỏi Lão Tử về đạo đức lễ nghi. Lão Tử nói rằng: “Những người ông nói đó,thịt xương đều nát cả rồi, chỉ còn lại lời của họ mà thôi. Vả lại người quân tử gặp thời thì ngồi xe ngựa, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân đất. Tôi nghe nói người buôn giỏi thì giấu kỹ vật quý, coi ngoài như không có gì; người quân tử đức cao thì dung mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòn đa dục, cái lòng hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó không có giúp gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông có bấy nhiêu thôi”. Phu Tử lui về khen rằng: “Điểu, ngô tri kỳ năng phi; ngư ngô tri kỳ năng du; long tại phong vân chi trung, ngô bất tri kỳ cao hạ. Lão Tử vi kỳ long. Nghĩa là: Ta biết con chim bay; ta biết con cá lội; chứ con rồng trong mây gió, ta khó biết cao thấp. Lão Tử như con rồng vậy.

Đời Liệt Vương năm thứ ba, Lão Tử đến nước Tần nói chuyện với Hiến Công rồi về.

Đời Noãn Vương năm thứ chín, Lão Tử hiện thân tại núi Côn Lôn là cảnh cũ tại cung Huyền Đô (cung Đâu Xuất).

Đời Tần, Lão Tử hiện thân, xưng hiệu Hà Thượng Công dạy An Kỳ học đạo.

Đời Hán vua Văn Đế, Lão Tử hiện thân, xưng hiệu là Quảng Thành. Vua mộ đạo cho sứ đi rước. Thầy Quảng Thành nói: “Lẽ nào không đi tới, mà sai sứ rước thầy, sao gọi là trọng đạo?”. Sứ thần về tâu lại. Vua Hán Văn Đế ngự đến phán hỏi rằng: “Ở trong đất nước tôi là vua, thầy tuy đắc đạo nhưng cũng là dân của trẫm, sao không chịu phục, lẽ nào làm kiêu như vậy. Hay là nói trẫm làm họa phước không được chăng?”. Thầy Quảng Thành nghe nói, bay lên một trăm thước, ngồi trên không ngó xuống nói rằng: “Nay trên chẳng tới trời, dưới không tới đất, giữa chẳng theo người, nào có phải dân của ai, Bệ hạ làm họa phước cho ta sao được!”. Văn Đế biết lỗi, xuống xe làm lễ, xin được truyền đạo, thầy Quảng Thành cho một cuốn kinh. Sau qua đời Hán Thành Đế, Lão Tử giáng sinh tại suối Khúc Dương truyền phép cho Vu Kiết.

Đời An Đế, Lão Tử truyền cuốn Tội Phước Tân Khoa cho Lưu Tiên, tới đời vua Trinh Đế xuống truyền cuốn kinh Bắc Đẩu cho Trương Thiên Sư.

Đời Hoàn Đế xuống núi Thiên Thai truyền kinh Bác Động cho Vạn Niên tiên sinh. Hán Minh Đế, Lão Tử xuống truyền kinh cho Trương Thiên Sư lần nữa. Qua đời Đường Cao Tổ, Lão Tử xuống truyền đạo cho Đường Công tại núi Vương Giác.

Đời Tống có xuống động Hoa Dương truyền kinh Độ Mạng cho Lương tiên sinh…

Đời nào ngài cũng giáng thế độ người không kể xiết. Trong sử nói: Khi Lão Tử lên mây bay qua Tây Vức, vua Chiêu Vương thấy hào quang ngũ sắc chiếu tại cung Tử Vi. Tức thì truyền chỉ hỏi quan Khâm Thiên Giám có điềm chi chăng? Khâm Thiên Giám tâu rằng: “Điềm thánh nhân về hướng Tây, một nghìn năm nữa mới trở lại Trung Hoa”. Quả thật một nghìn năm sau, đến đời vua Hán Vĩnh Bình, đạo Phật vào Trung Hoa, nên Phật, Lão hai đạo không khác nhau bao nhiêu.

Đời Đường Cao Tổ, ở Phổ Châu có một người tên là Thiên Hành đi ngang núi Dương Sơn gặp một ông già mặc áo trắng nói rằng: “Ngươi về tâu với Đường thiên tử rằng: Thái Thượng Lão Quân là ông nội của hắn” (Bởi Lão Tử thành tiên lấy hiệu là Thái Thượng Lão Quân). Đường Cao Tổ hay tin ấy, lập miếu mà thờ. Sau đến đời Đường Cao Tông tôn hiệu là Huyền Nguyên hoàng đế. Sau có vua Minh Hoàng giảng kinh Đạo Đức.

Đời Tống vua Chân Tông phong hiệu Thái Thượng Lão Quân Hỗn Nguyên Chí Đức hoàng đế.

Còn ông Huyền Khưu tiên sinh là người đời thượng cổ, luyện thuốc trường sinh, đến đời Thương đã dư nghìn tuổi. Có truyền thuốc cho em là Khương Nhược Xuân, ba trăm tuổi trông như trẻ con mới lên mười. Sau dạy ông Bành Tổ học theo sống tám trăm tuổi.

Nhắc lại đời Châu, tiếp với chuyện Lý Ngưng Dương tầm sư học đạo. Khi ấy Huyền Khưu tiên sinh đến Họa Sơn đàm đạo với Lão Tử, xảy thấy có một ngọn thanh phong. Lão Tử hỏi Huyền Khưu rằng: “Ông biết gió ấy là điềm chi chăng?”. Huyền Khưu thưa rằng: “Chắc có người sắp thành tiên đến đây!”. Lão Tử nói: “Ta biết Lý Ngưng Dương sắp thành tiên và là người đứng đầu trong sổ tiên”. Nói rồi truyền tiên đồng ra ngoài núi mà đón. Xảy thấy một đạo sĩ đi tới, hai tiên đồng hỏi rằng: “Phải ông là Lý tiên sinh đó chăng?”. Lý Ngưng Dương hỏi lại: “Sao hai người lại biết tôi?”. Hai tiên đồng nói: “Chúng tôi vâng lệnh Lão Quân đi đón thầy”. Lý Ngưng Dương mừng thầm, chắc mình có phước, liền tạ ơn hai tiên đồng rồi theo vào ra mắt Lão Quân. Thấy Lão Quân hào quang chói sáng, dung nhan tươi nhuận như tiên đồng, duy tóc râu thì bạc trắng, Huyền Khưu cũng vậy. Lý Ngưng Dương quỳ lạy. Hai ông đáp lễ mời ngồi. Lý Ngưng Dương quỳ lạy và thưa rằng: “Đệ tử tầm sư học đạo, lẽ nào dám ngồi, xin chờ thầy dạy bảo!”.

[1] Thanh Dương Tứ: chợ Thanh Dương.