Trang

【Bắc Du Ký】Quyển một - Hồi thứ nhất: Vua thượng giới yến ẩm ca xang

Thời nhà Tùy vua Dương đế là Dương Quảng, bởi vua lỗi đạo, nên đời sinh yêu nghiệt nhiều. Truyện Thuyết Đường có tỏ việc quốc sự dương gian. Còn truyện này tỏ về việc âm, nói chuyện quỷ thần thời ấy.
Ngày kia, Ngọc Hoàng Thượng Đế truyền dọn yến đãi các vị thần tiên, uống rượu Huỳnh tương, ca bài tiên nhạc. Trong lúc ăn yến, Ngọc Hoàng Thượng Đế phán rằng: “Trẫm cầm quyền sửa máy âm dương, định cơ tạo hóa, trên thời trị các vị thần tiên, dưới trị cả thảy nhân vật, đáng lẽ quyền trẫm lớn hơn Tây phương Phật tổ mới phải, sao còn thuộc về Thần đạo, chưa thành Phật đạo, như vậy thời trẫm mệt nhọc mà hỡi còn thấp, Phật thanh nhàn mà đặng phẩm cao! E chưa công bình cho lắm?”. Các vị thần tiên tâu rằng: “Phật Thích Ca tu đã chín đời, Bệ hạ tu có bảy đời. Vả lại thần còn có vợ con; sao cũng phải nhường Phật đạo, như Bệ hạ muốn thành Phật đạo cũng không khó, phải giáng sinh[1] hai kiếp mà tu nữa, mới thành Phật đạo.”

Khi ấy Ngọc Hoàng Thượng Đế nghe tâu liền thở ra, có ý muốn hóa thân mà tu hai kiếp nữa. Xảy thấy hào quang chiếu ngay trước mặt, mùi thơm bay khắp cả mình. Liền phán hỏi chư thần rằng: “Vật chi trước mặt, hào quang sáng chói, bay mùi thơm ngát dị thường?”. Các thiên quân tâu rằng: “Chẳng phải vật chi lạ, thiệt tại phương nam cung tốn, nhà ông Lưu thiên quân ở ngoại càn khôn, có trồng cây Quỳnh hoa, gọi là Tiếp Thiện Thọ[2] cây ấy có bảy món bửu bối nên chiếu hào quang”. Ngọc Hoàng Thượng Đế nghe tâu liền truyền chỉ đòi Nam phương Hỏa đức tinh quân vào đền, mà phán rằng: “Khanh đến nhà Lưu thiên quân xin bứng cây Quỳnh hoa về đền Thông minh mà trồng”. Hỏa đức tinh quân tạ ơn rồi đi qua cung tốn.

Nói về Lưu thiên quân đang ngồi trong vương phủ, thấy Hỏa đức tinh quân đến, Lưu thiên quân nghinh tiếp vào phủ hỏi rằng: “Chẳng hay thiên sứ phụng chỉ, đến dạy điều chi?”. Hỏa đức tinh quân nói: “Thượng Đế đương đãi yến tại đền Thông minh, xảy thấy quý trạch[3] bửu thọ[4] chiếu bảy sắc hào quang, nên Bệ hạ khen lắm, truyền chỉ xin Thiên quân cho bứng cây ấy về trồng trước cửa đền, cho các vị thần tiên biết vật quý”. Lưu thiên quân nói: “Thánh thượng truyền chỉ, lẽ nào tôi dám chẳng tuân? Song cây ấy bấy lâu có bảy sắc hào quang thường nhóm tại trên ngọn, nếu bứng động rễ, thỉ bảy sắc hào quang ấy phải tan, lại e không trỗ bông ra trái nữa. Chắc là dùng không đặng mà mất giống linh uổng lắm chăng? Xin thiên sứ về tâu như vậy”.

Khi ấy Hỏa đức tinh quân về tâu lại vân vân. Ngọc Hoàng Thượng Đế nổi giận phán rằng: “Trẫm là chúa ba cõi, mà không đặng vật báu như Lưu thiên quân!”. Liền phán hỏi chư thần rằng: “Chẳng hay ai đặng hưởng trái Quỳnh hoa ấy?”. Các thiên thần tâu rằng: “Trái ấy trừ ra con cháu Lưu thiên quân đặng hưởng mà thôi”. Ngọc Hoàng Thượng Đế than rằng: “Phải chi làm con cháu Lưu thiên quân thì đặng hưởng vật báu!”. Các thiên thần kinh hãi mà rằng: “Bệ hạ đã truyền chỉ như vậy, thì phải đầu thai?”. Nếu quả nhân giáng sinh, biết ai kế vị?”. Các thiên thần tâu rằng: “Xin bệ hạ để lại hai hồn, xuất ra một hồn mà đi hóa thân thì tiện lắm”. Ngọc Hoàng Thượng Đế nghe tâu còn dùng dằng, các thiên thần tâu: “Thiên tử bất hí ngôn[5], không lẽ quên lời thất tín. Xin Bệ hạ truyền chỉ cho mau?”. Ngọc Hoàng Thượng Đế phán rằng: “Trẫm đành chiết một hồn đi hóa thân, song chẳng biết chừng nào trở lại?”. Các thiên thần tâu rằng: “Xin Bệ hạ đừng lo, miễn là tu hành, sau cũng thành như cũ”. Ngọc Hoàng Thượng Đế phải chiết ra một hồn, các thiên thần bảo đi giáng sinh.

Nói về Lưu thiên quân và vợ là Hồng Liên công chúa đồng ngoạn kiểng ngoài vườn hoa, xảy thấy hào quang chiếu xuống, có bốn ông Thiên vương bưng một cái mâm vàng, trong mâm có một người con nít ngồi ngay thẳng, dưới có chín con rồng xanh nưng đỡ, bay thẳng xuống gần tới vườn hoa. Lưu thiên quân lấy làm lạ, chắc là người quý giáng sinh, bảo vợ thắp hương làm lễ, hai vợ chồng quỳ lạy, hào quang bay gần tới gần, nhập vào bụng Hồng Liên công chúa. Lưu thiên quân mừng rỡ lạy thinh không. Từ ấy Hồng Liên công chúa thọ thai liền nói cho chồng hay. Lưu thiên quân mừng quá nói rằng: “Chắc là sinh quý tử!”

Ngày tháng thoi đưa, không bao lâu đã tới kỳ mãn nguyệt, ngày mùng chín tháng chín, mùi hương thơm ngát cả nhà, Hồng Liên công chúa sinh đặng một con trai, thời mây kéo mịt trời, đưa bàn tay không thấy. Lưu thiên quân mừng có điềm lạ, đặt tên con là Trường Sinh.

Đến khi Lưu Trường Sinh trộng rồi, hỏi cha mẹ rằng: “Chẳng hay nhà mình có vật chi báu?”. Lưu thiên quân nói: “Nhà mình có cây Tiếp Thiên, hào quang sáng giới, nồng nực mùi hương, có bảy sắc báu. Năm trước Ngọc đế muốn lắm, có sai sứ đến xin mà cha không cho; ấy là vật báu trong trời đất”. Lưu Trường Sinh mừng rỡ, ngày nào cũng đem hương đèn ra gốc cây mà cúng lạy. Nguyên có bảy vị phật ở tại cây ấy, là: Đa Bửu như lai, Cữu Thẳng như lai, Diệu Sắc như lai, Quang Thạnh như lai, Ly Bố quả như lai, Cam Lộ Vương như lai, Vô Lượng Thọ như lai; gọi là Thất bửu như lai; hằng ở trên cây ấy. Bởi cớ ấy nên có hào quang bảy sắc. Bảy vị như lai thấy Ngọc đế ân cần cúng tế, càng không dám hưởng nên thương nghị với nhau, đến Tam Thanh điện[6] mà hỏi.

Hôm sau Lưu Trường Sinh vào vườn cúng nữa, thấy lá cây Tiếp Thiên đã héo, không còn một chút hào quang, Lưu Trường Sinh kinh hãi, ngó một hồi lâu rồi nói rằng: “Hôm qua có hào quang, sao nay chẳng thấy, chắc cũng có cớ chi, mai coi lại thử”. Nói rồi trở vào nhà.

Hôm sau Lưu Trường Sinh vào vườn cúng nữa, thấy lá cây Tiếp Thiên đã héo, không còn một chút hào quang, Lưu Trường Sinh kinh hãi ngó một hồi lâu rồi nói rằng: “Hôm qua có hào quang, sao nay chẳng thấy, chắc cũng có cơ chi, để mai coi lại thử”. Nói rồi trở vào nhà.

Nói về Thất bửu như lai không biết ý Ngọc đế làm sao, sớm tối ân cần cúng lạy. Nên rủ nhau đến Tam Thanh điện hỏi thăm ba ông Tam Thanh. Thái thượng lão quân, Ngươn Thủy, Linh Bửu đồng cười rằng: “Nếu chúng ta không cắt nghĩa, thời bảy vị không rành. Bởi ngày kia Ngọc đế đãi yến, ngó thấy bảy sắc hào quang của các người, không rõ vật chi nên phán hỏi. Các thiên thần tâu rằng tại Tiếp Thiên Thọ hiện hào quang trong vườn Lưu thiên quân. Ngọc đế sai sứ xin cây ấy không đặng, Ngọc đế phán hỏi: Ai đặng hưởng cây Quỳnh hoa?. Các thiên thần tâu rằng: Trừ con cháu Lưu thiên quân mới hưỡng đặng. Ngọc đế mới xuất hồn đầu thai làm Lưu Trường Sinh. Nay còn động lòng xưa mà cúng kiến các ngươi đó? Chẳng hay mấy vị ở đó bao lâu?”. Thất bửu như lai nói: “Chúng tôi ở cây Tiếp Thiên của Lưu phủ đã ba trăm năm dư”. Ngọc Thanh Thái Thượng than rằng: “Ngọc đế cũng vì mến bảy ngươi mà giáng sinh, nếu ngày sau không tu niệm mà trở lại Thiên đình, thì các ngươi cũng có tội!”. Thượng Thanh Ngươn Thủy nói: “Bảy vị phải chọn một người hơn hết, hóa làm đạo sĩ mà khuyên Lưu Trường Sinh tu hành mà chuộc lỗi ấy mới đặng”. Thái Thanh Linh Bửu nói: “Bây giờ muốn khuyên cho đặng Lưu Trường Sinh tu luyện, phải làm kế như vầy: Một vị như lai hóa ra đạo sĩ đứng dưới gốc cây Tiếp Thiên đợi Lưu Trường Sinh đến cúng, thấy cây khô chẳng chiếu hào quang chắc là nổi giận, sao cũng nói đạo sĩ ăn cắp bửu bối, hại chết cây Tiếp Thiên đợi rầy rạc hành hung, sẽ hóa phép thần thông cho Lưu Trường Sinh phục; chừng đó sẽ khuyên bảo tu hành mới đặng”. Thất bửu như lai nghe đó, liền giã từ lui ra.

Nói về Lưu Trường Sinh, ngày thứ nhứt ra vườn thấy cây khô héo, không có hào quang, thì trong lòng rầu rĩ. Ngày thứ nhì ra vườn thấy cây khô gần chết, tức mình biết dường nào. Xảy thấy có một người đạo sĩ đứng sau cây Tiếp Thiên, Lưu Trường Sinh nổi giận, bước lại kéo đạo sĩ mà nói rằng: “Ta không biết cây nầy vì cớ nào mà chết, bửu bối không chiếu hào quang, té ra nay mới hay ngươi đã trộm bửu bối!”. Đạo sĩ không nói một tiếng, cứ cười chúm chím, Lưu Trường Sinh nổi giận, kéo đạo sĩ khỏi vườn, đem tới nhà khách tra vấn. Đạo sĩ cũng cười chúm chím mà thôi. Lưu Trường Sinh tức mình lấy gậy đập đại, đạo sĩ không kêu la tự nhiên cây gậy gãy, lấy gươm chém cũng gãy gươm. Đạo sĩ hóa một đạo hào quang bay lên nửa lừng. Lưu Trường Sinh kinh hãi, liền quỳ lạy thinh không mà nói rằng: “Tôi không biết tiên ông, nên mới lầm mà xúc phạm, xin xá tội cho tôi”. Đạo sĩ nói: “Ta là bảy báu trong cây ấy, bấy lâu ở trong vườn ngươi nên có hào quang đó”. Lưu Trường Sinh hỏi: “Vì cớ nào dựa cây ấy mà có hào quang?”. Đạo sĩ nói: “Bảy anh em ta thấy trên thiên cung không có bửu bối, nên dựa cây mà khoe khoan; nay anh em ta không dựa cây này nữa”. Lưu Trường Sinh hỏi: “Nay cớ nào mà bỏ cây nầy, muốn đi đâu nữa?”. Đạo sĩ nói: “Khi trước Thiên cung không có bửu bối, nên anh em ta hiện hào quang sáng chói. Bây giờ Thiên cung nhiều bửu bối, thì thần thông hào quang của chúng ta chẳng ra chi, nên muốn đi cho rảnh”. Lưu Trường Sinh nói: “Như trên Thiên cung nhiều báu, xin dắt tôi theo”. Đạo sĩ nói: “Muốn lên Thiên cung, thì phải bỏ sự ân ái, nếu còn tánh tham thời khó đi lắm!”. Lưu Trường Sinh nói: “Nếu các ông không bỏ tôi, thi tôi lạy từ giã cha mẹ rồi đi theo”. Đạo sĩ nói đặng.

Khi ấy Lưu Trường Sinh vào từ biệt cha mẹ, xin theo thần tiên mà lên Thiên cung. Lưu thiên quân và Hồng Liên công chúa không chịu cho đi, xảy thấy trời nổi mây đen kéo tới, nổi một trận gió, đem Lưu Trường Sinh bay mất. Mây đen tan rồi, hai vợ chồng Lưu thiên quân kiếm con không đặng than khóc với nhau một hồi.

Nói về Thất bửu như lai bồng Lưu Trường Sinh khỏi cung, rồi đem lên điện Tam Thanh, ra mắt và thuật chuyện cho ba ông Tam Thanh hay. Tam Thanh bước ra ngoài, thấy Lưu Trường Sinh làm lễ. Tam Thanh mời dậy, rồi cho ngồi mà hỏi rằng: “Người có biết chúng tôi là ai chăng?”. Lưu Trường Sinh thưa rằng: “Tôi thuở nay chưa biết ba vị tiên trưởng[7]”. Tam Thanh cười rằng: “Người biết mình kiếp trước là ai chăng?”. Lưu Trường Sinh thưa rằng: “Tôi thiệt không biết, xin các vị tiên trưởng dạy cho rành! May tôi đặng thành tiên, thì trọn đời cám đức”. Tam Thanh nói: “Người hãy ra nhà sau, coi mặt vào kiếng lớn, thì biết kiếp trước là ai”.

Khi ấy Lưu Trường Sinh y lời, ra nhà sau coi kiếng, thấy là hình Ngọc đế trong kiếng rõ ràng, trong lòng kinh hãi. Liền ra nói với Tam Thanh rằng: “Tôi soi kiếng thấy hình Ngọc đế; hay là kiếp trước tôi là Ngọc đế chăng?”. Tam Thanh nói phải. Lưu Trường Sinh nói: “Nếu kiếp trước tôi là Ngọc đế sao lại đầu thai cõi ngoài?”. Tam Thanh nói: “Người là một cái hồn trong mình Ngọc đế, bởi kiếp trước thấy cây Tiếp Thiên của Lưu thiên quân chiếu hào quang liền động lòng tham, mới đầu thai xuống mà hưởng cây ấy”. Lưu Trường Sinh hỏi: “Làm sao đặng trở về thân trước?”. Tam Thanh nói: “Cũng không khó chi, muốn trở về thân trước, thì phải tu hành Chân chánh mới đặng như xưa”. Lưu Trường Sinh nói: “Tôi cũng ở cõi tiên với cha mẹ, chẳng hay đến đâu mà tu hành?”. Tam Thanh nói: “Ở cõi tiên không có chi khổ sao gọi là tu? Muốn tu thì phải đến cõi trần mà tu, đến thành thì trở về đền cũ”. Lưu Trường Sinh nói: “Tôi là con thần tiên, xuống phàm trần sao đặng?”. Tam Thanh nói: “Ngươi bằng lòng chịu khó tu hành, thì có chỗ tu hành tốt lắm, bởi trung giái có hòn núi Bồng Lai, là hòn núi có danh thứ nhứt. Để chúng tôi làm phép đưa người xuống đó mà tu”. Lưu Trường Sinh nói: “Biết có ai nuôi dưỡng hay không?”. Tam Thanh nói: “Đói ăn trái tòng xanh, khát uống nước suối”. Lưu Trường Sinh nói: “Miễn tu hành hườn lại thân trước, thì tôi tình nguyện nghe lời”. Tam Thanh lấy một bông như ý trong tay áo ra, bảo Lưu Trường Sinh nhắm mắt lại, rồi lấy bông như ý đánh Lưu Trường Sinh một cái, té xuống Bồng Lai.

[1] Giáng sinh, hóa thân đều là đầu thai.
[2] Tiếp Thiên Thọ: Cây cao thấu trời.
[3] Quý trạch: nhà quý.
[4] Bửu thọ: cây báu.
[5] Thiên tử không nói chơi.
[6] Đền Tam Thanh, chỗ Thái Thượng, Ngươn Thủy và Linh Bửu ở.
[7] Tiên trưởng là tiên lớn hơn hết.